Tính kỷ luật-Discipline: PHẢI có trong Đầu tư
Sáng nay mình hạc chữ này nhé: Discipline, đọc là đít-xíp-lìn, lìn chứ hẻm phải lai nha. Đít xíp lìn có nghĩa là kỷ luật.
Từ này quan trọng vô cùng để leo lên người, gạt bớt phần con. Vì mình hay nuông chiều cái sướng của bản thân, mà thỉnh thoảng rơi mất kỷ luật. Ngủ dậy sớm là dậy sớm. Đi là đi. Ăn là ăn. Tới giờ làm cái gì là làm cái đó, không có ráng 1 chút nữa, riết thành bệnh nhấc đít lên không nổi, làm cái gì cũng lề mề.
Đang giờ làm việc, tò mò facebook quá, hẻm biết mấy đứa bạn đang suy nghĩ gì, thế là bỏ công việc đang làm, lên FB coi. Coi chục status, thấy toàn buồn nhẹ với chán chồng, cái mình cũng bị lây theo, cũng buồn nhẹ, hết muốn làm việc. Tò mò chi vậy, mình phải có đít xíp lìn chớ. Quyết tâm làm gì là làm cho được, không để bệnh làm biếng hay làm nửa chừng rồi bỏ. Quyết tâm hạc Anh Văn là đăng ký hạc, mở máy hạc, chứ không phải vô Youtube coi mấy cái clip hài tốn thời gian như mấy đứa nhảm nhí ngoài xã hội

Thủ Tướng Lee Guan Yew là Lý Quang Diệu, người từng sống ở VN, là thần tượng ở châu Á. Ông có công đưa Singapore từ 1 miếng đất bèo nhèo trở thành kinh đô của Á Châu, thành phố quốc tế nhất ở châu Á, giàu có bậc nhất thế giới. Ông khuyên gì là phải lắng nghe, không ông quánh chết. Ông có để lại câu nói nổi tiếng về tính kỷ luật:
“If your want to reach your goals and dreams, you cannot do it without discipline”
Goal là cái mục tiêu, trong đá banh là khung thành. Đọc là gâu lờ, lờ nhẹ. Reach your goals (rít ch doa gâu l) tức đạt được mục tiêu mục đích của mình, thì không thể thiếu kỷ luật, without discipline, you cannot reach your goals and dreams. Dream là giấc mơ, ước mơ. Ước mơ thì phải vĩ đại, vì đâu có ai đánh thuế đâu mà “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”. Suy nghĩ chi nhỏ xíu, vụn vặt, ăn cắp chi vài ba đồng, nói dối chi cho thành người rẻ tiền vậy. Mơ lớn lên, vẫy vùng ra biển lớn đi, xách giỏ đi giao lưu quốc tế để thấy thế giới rộng lớn thế nào, chứ ngồi quanh ao làng cãi nhau làm chi với thằng Ổi con Mít, tranh chấp quyết liệt mấy trái ổi trái xoài, cãi vã nhau mấy chuyện gà vịt hàng rào dâm bụt…Chi vậy.
Muốn thành đạt, phải đít xíp lìn. Nhớ nhớ nhớ…
Những quốc gia hùng mạnh đều là những quốc gia kỷ luật. Nhật, Đức, Hàn…
Các nước Đông Nam Á, Nam Á thì tính kỷ luật nhìn chung kém hơn, người dân thích làm theo cảm tính và cảm hứng hơn là theo quy tắc và kỷ luật.
Ở các quốc gia này, những người kỷ luật đều là những người thành công. Công ty nào kém kỷ luật đều phải phá sản.
Trong quản lý, lãnh đạo…khi thấy người dưới vô kỷ luật lần thứ 3, nên lập tức mời đi. Nếu không sẽ gây hậu quả khủng khiếp.
Hứa deadline (hạn chót) mà quên không làm, đi trễ, ngồi trong giờ làm việc mà chát chít việc riêng, nói dối…..nếu vi phạm lần thứ 3 thì không thể chấp nhận. Lãnh đạo leader thì phải mạnh tay, lạnh lùng với kỷ luật. Quy tắc phải được đưa ra ban đầu khi hợp tác, yêu cầu đọc rõ và hiểu rõ, chấp nhận chưa. Nếu chấp nhận thì vô làm, chiếu theo đó mà phân xử, không nên xuề xoà cảm tính, vì như vậy sẽ làm hỏng người khác, mất tính quyết đoán của mình, lờn mặt với nhân viên dưới. Còn leader mà không tự kỷ luật thì không có tố chất vì nhân viên cấp dưới sẽ khinh thường, không bao giờ quản lý được do không phục.
Lãnh đạo là nghệ thuật và cũng là khoa học.
Khoa học, tức phải có sự rõ ràng, minh bạch, khách quan, duy lý.
Một công ty có bền vững hay không, không chỉ dựa vào sự lãnh đạo tài tình và chiến lược độc đáo của các sếp, yếu tố chủ chốt vẫn nằm ở thái độ của nhân viên. Nếu một nhân viên yêu nghề thì họ chẳng quản ngại khó khăn, công việc chưa hết thì cố gắng đến sớm hay ở lại thêm một chút để hoàn thành.
Còn đối với những nhân viên điểm danh thường xuyên trong list-đi-muộn thì không biết mức độ tâm huyết với nghề của họ còn bao nhiêu. Khoan chưa vội bàn đến chuyện còn yêu nghề hay không nhưng việc một nhân viên thường xuyên đi muộn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất và hiệu quả của cả một công ty.
Chắc hẳn vị sếp dưới đây đã không ít lần thấy phiền lòng vì thái độ của một nhân viên chuyên trị đi muộn, đã nhắc nhiều lần nhưng không chịu sửa. Nếu vị sếp nào cũng gặp phải trường hợp tương tự thì chắc chắc bức thư này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc điều chỉnh thái độ nhân viên cũng như tăng hiệu quả công việc.
Tối hậu thư của sếp gửi nhân viên đi muộn!
Không hề chỉ trích gay gắt hay xúc phạm nhân viên nhưng bức thư của vị sếp này đã khiến không ít người phải suy nghĩ.

“To V,
Đây là email anh nhắc nhở em lần cuối. Nếu em vẫn đi làm muộn như mọi khi mà không báo trước, vẫn còn giữ lối sống vô kỉ luật, thì anh nghĩ em nên ngưng làm việc ở đây.
Để một tổ chức tồn tại được, điều kiện cần là mọi người phải biết nghĩ về nhau, nghĩ cho người khác. Điều kiện đủ là tính kỉ luật. Thiếu một trong hai điều kiện này, tổ chức đó sẽ tan rã. Vì thế khi hợp tác làm việc, hùn hạp làm ăn với ai, nếu họ thiếu một trong hai điều kiện này, nên chia tay sớm để khỏi phải giải tán về sau.
- Thứ nhất, chỉ nghĩ cho bản thân, ích kỉ sẽ dẫn đến phết phẩy ma lanh.
- Thứ hai, thiếu tính kỉ luật, sẽ không đạt được mục tiêu.
Công ty của bạn anh, anh nói trước sau gì cũng đóng cửa mà không tin. Vì có người trong đó không biết đến kỉ luật là gì, thì không nên làm ăn cùng. Đúng thế thật, bữa đầu ba anh trong hội đồng quản trị hẹn họp lúc 3h chiều. Anh thứ nhất đến đúng giờ, anh thứ hai đến lúc 3h30, anh thứ ba đến lúc 4h. Anh đi đúng giờ có tiệc hẹn lúc 4h30, nên khi anh thứ ba đến thì anh thứ nhất phải đi trong khi anh ấy đã ngồi đợi suốt một tiếng mà không biết làm gì. Anh thứ ba đã ăn cắp của anh thứ nhất một giờ đồng hồ, anh thứ hai ăn cắp của anh thứ nhất 30 phút. Và đúng như anh dự đoán, công ty họ đã giải tán. Vì cả ba lần hẹn họp đều không bàn bạc được với nhau.
“Mistake acceptable, but never accept the same mistake”.
Lỗi lầm lần đầu thì mình đem ra mổ xẻ, phân tích nguyên nhân, nhắc nhở và bỏ qua.
Phạm lần hai là cảnh cáo, phạm lần thứ ba thì nên chia tay.
Vì lần một, đã nhắc nhở mà họ vẫn không rút ra được, một là do ngu quá, không hiểu vấn đề, hai là cố tình vi phạm. Lần hai vi phạm là do thói quen cũ, thôi thì cho thêm một lần nữa. Dù đã cảnh cáo nhưng vẫn vi phạm lần ba, thì thôi, nên chia tay.
Dù trong hôn nhân, quan hệ bạn bè, kinh doanh hay trong bất kì mối quan hệ nào, the same mistake lần thứ ba thì không nên tha thứ.
- Lần một bỏ qua vì chúng ta không nên hẹp hòi.
- Lần hai bỏ qua vì chúng ta cần có sự bao dung.
- Lần ba không được bỏ qua vì đó là sự xuề xòa, hại người khác.
Mình cứ nghĩ mình tốt, mình thiện, mình bỏ qua lỗi lầm của người ta, thực ra là mình rất ác, vì minh hại người đó. Vì thế người đó sẽ cảm thấy là lần bốn, lần năm… cứ vi phạm thoải mái, rồi cũng sẽ được bỏ qua. Rồi thành bản chất, không sửa được nữa.
Thiện không đúng chỗ, là ác.
Ác đúng chỗ, là thiện.
Đây là thư cuối cùng của anh về vấn đề này. Nếu em có đi muộn lần tiếp theo thì tự động đến phòng nhân sự nhận hồ sơ đi về. Mọi vị trí đều có thể thay thế. Mọi kinh nghiệm đều có thể đào tạo.
Ở công ty này, không chấp nhận người vô kỉ luật làm việc. Anh không muốn đóng cửa công ty. Cố tình vi phạm là phá hoại, nên loại trừ sớm.”
(Bài viết đã được đưa vào sách Trên Đường Băng – Tony Buổi Sáng)